Sáu Bước Xử Lý Lỗi Máy Scan (Máy Quét Ảnh)

Sáu Bước Xử Lý Lỗi Máy Scan (Máy Quét Ảnh)

Bước 1: Kiểm tra nguồn cấp điện

Cũng như hầu hết các thiết bị khác, để máy scan hoạt động, bạn phải cấp điện cho nó. Nếu máy scan bạn đang dùng là loại cắm thẳng vào nguồn điện, thì bạn hãy kiểm tra lại ổ cắm nguồn điện nhà trên tường. Một chiếc bút thử điện, hoặc một đồng hồ đo điện đa năng sẽ giúp bạn lúc này. Trong vài trường hợp, thì ổ cắm có điện nhưng hiệu điện thế không đủ để máy hoạt động.

Trường hợp máy tính và máy scan của bạn được cắm vào bộ lưu điện UPS, hay ổn áp, thì bạn cũng phải chắc chắn rằng thiết bị đó vẫn đang hoạt động bình thường. Việc dùng một chiếc quạt bàn hay bóng đèn cắm vào đầu ổ xuất điện của ổn áp là cách đơn giản nhất sẽ đảm bảo rằng nó đủ sức cấp nguồn cho máy scan ảnh của bạn.

Nhiều dòng máy quét sẽ được cấp nguồn thông qua bộ nắn điện (adpater). Vì thế bạn cũng cần kiểm tra xem bộ nắn điện có còn hoạt động tốt hay không. Đơn giản nhất là bạn dùng một đồng hồ đo điện, và kiểm tra đầu ra xem có đủ hiệu điện thế và cường độ dòng điện, để máy scan hoạt động theo các thông số trong tài liệu hướng dẫn sử dụng hay không.

Với các loại máy scan cầm tay sử dụng nguồn từ cổng USB, nếu chúng không hoạt động, bạn hãy cắm vào cổng USB khác để thử. Trường hợp bạn không cắm trực tiếp máy quét vào máy tính, mà cắm chuyền qua một chiếc USB Hub, thì bạn phải kiềm tra xem chiếc Hub đó có khả năng cấp đủ nguồn cho các thiết bị cắm vào đó hay không. Một số Hub USB có thêm bộ nắn điện để đảm bảo khả năng cấp nguồn.

USB%20Hub
 

Đồng thời, bạn hãy kiểm tra xem công tắc trên máy scan đã được bật hay chưa. Nếu được cấp nguồn và bật công tắc, lúc khởi động, chiếc đèn quét trong máy sẽ bật lên, và có thể di chuyển nhẹ. Đèn led mang ký hiệu POWER ở cạnh trước máy cũng bật sáng để thông báo cho bạn biết nó sẵn sàng hoạt động.

 

Bước 2: Kiểm tra cáp dữ liệu

Bước kế tiếp là bạn kiểm tra phần cáp nối truyền dữ liệu giữa máy tính và máy quét. Là thiết bị ngoại vi, nên máy quét cần được gắn cáp nối vào máy tính. Có sự khác biệt giữa việc dùng cổng kết nối. Các máy quét đời cũ thì thường sử dụng cổng máy in (LPT) phía sau thùng máy. Các dòng máy quét mới thường dùng cổng USB. Các máy quét cầm tay thì dùng cổng USB để truyền dữ liệu và lấy nguồn để hoạt động cùng một lúc.

Trường hợp hệ thống không nhận ra máy quét, bạn hãy rút cáp ra, rồi cắm lại thật chặt để đảm bảo rằng máy tínhđã kết nối vật lý tốt với thiết bị này. Một kỹ thuật thường hay được sử dụng ở đây là sau khi cắm cáp và bật nguồn máy scan, bạn hãy khởi động lại máy tính để hệ điều hành tự động nhận ra thiết bị này.

Tiện ích Device Manager trong Windows sẽ cho bạn biết rằng hệ điều hành đã nhận ra máy quét hay chưa.

Bước 3: Kiểm tra chế độ hoạt động của cổng máy in

Đây là vấn đề thường gặp với máy quét dùng cổng máy in (LPT). Nếu sau khi xử lý các lỗi trên mà bạn vẫn gặp phải các trục trặc về việc kết nối với máy tính thông qua cổng máy in, hãy chắc chắn rằng, trong BIOS máy tính của bạn, hoạt động của cổng máy in LPT đã được cài đặt ở chế độ EPP hay bi-directional. Thao tác kiểm tra đòi hỏi bạn phải khởi động lại máy tính và vào chế độ cấu hình BIOS. Trong cửa sổ cấu hình CMOS, bạn tìm mục liên quan đến cổng giao tiếp LPT, rồi thay đổi để chuyển qua lại giữa hai chế độ EPP hay bi-directional và thử lại cho đến khi máy quét được nhận ra.

BIOS

 

Nếu như bạn đang dùng một máy in cùng chia sẻ cổng LPT với máy quét này. Nghĩa là máy quét của bạn cắm vào cổng LPT trên máy tính, còn máy in cắm chuyền vào cổng LPT trên máy quét, thì đó có thể là một nguyên nhân làm cho máy quét không hoạt động, hay không ổn định. Cách giải quyết là bạn rút máy in ra khỏi máy quét và kiểm tra lại hoạt động của nó. Nếu máy quét hoạt động ổn định sau khi tháo máy in, thì bạn buộc lòng phải gắn máy invào cổng USB còn máy quét ảnh vào cổng LPT, hay ngược lại.

 

Bước 4: Cập nhật chương trình điều khiển máy quét

Nếu máy quét đã được máy tính nhận ra như một thiết bị vật lý, nhưng trong chương trình Device Manager thì bạn thấy có hình tam giác màu vàng và dấu chấm than đen cạnh tên thiết bị, thì nghĩa là chương trình điều khiển máy quét (driver) không đúng. Bạn hãy tiến hành cập nhật trình điều khiển mới nhất của máy quét từ trang chủ của nhà sản xuất. Sau khi khởi động lại máy tính, bạn sẽ thấy máy quét hoạt động tốt như mong muốn.

 

Bước 5: Giảm mật độ khi quét ảnh

Nếu máy quét hoạt động không ổn định khi mật độ quét quá cao, bạn hãy giảm mật độ quét trước khi tiến hành thử lại. Bạn cũng nên bật thêm tính năng tự động cân chỉnh độ tương phản (auto-contrast). Những thao tác đó sẽ giúp cho chiếc máy scan hoạt động ổn định hơn.

 

Bước 6: Làm vệ sinh máy quét

Một thao tác giúp máy quét của bạn hoạt động tốt hơn, để cho các hình ảnh quét được trong trẻo hơn, bạn hãy tiến hành làm vệ sinh nó. Dùng một miếng vải mềm hoặc khăn chống ẩm màn hình máy tính, rồi phun một chút dung dịch lau kính vào, bạn hãy lau sạch miếng kính phía trên máy quét. Rồi bạn dùng một miếng giẻ khác khô ráo, lau lại ngay cho sạch lớp dung dịch còn sót từ miếng giẻ ướt trước đó. Nếu chưa cảm thấy hài lòng về độ sạch của mặt kính, bạn có thể lặp đi lặp lại hai thao tác trên vài lần.

ve%20sinh%20may%20scan

Và dĩ nhiên, cũng như các thiết bị điện tử khác, hãy làm sạch bụi cho máy thường xuyên. Khi không sử dụng máy scan trong một thời gian dài, bạn đừng quên dùng khăn phủ chống bụi.

Nguồn: echip

Bạn có thể tham khảo thêm máy tính bàn, máy in, màn hình hay Router tại đây:

http://maytinhdeban.xyz

http://mayinchuyendung.com

http://hung-thinh.com.vn

http://draytekvietnam.com

http://manhinhchuyendung.com